Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Tấm gương người tốt việc tốt

NGƯỜI CÁN BỘ CỦA DÂN

28/08/2019 00:00 149 lượt xem

Bài dự thi: Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” Giai đoạn 2017 - 2020

 Con đường bê tông của xã trải dài dẫn lối vào các thôn đi cứ êm ru, đi trên con đường bằng phẳng ấy hẳn nếu không phải là người dân ở xã thì không biết được trước đây những con đường này lại gập ghềnh toàn đá và khó đi như thế nào, có khi cả tiếng đồng hồ chỉ đi được 2 đến 3 km. Không chỉ có đường khó đi mà cuộc sống của bà con nơi đây cũng bần hàn cơ cực lắm, nhưng những năm gần đây đã thay đổi nhiều rồi. Sự thay đổi của mảnh đất nơi đây là do công sức của bà con nhân dân và nhiều thế hệ cán bộ xã và cả những người đã và đang công tác trên mảnh đất này, một trong những người cán bộ ấy không thể không nói đến anh, người đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới đó. Cách đây 10 năm anh được điều về làm Bí thư xã. Tôi gặp anh được anh cho biết: “ cũng là người bình thường thôi, nhưng được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi nghĩ mình cần nỗ lực nhiều để giúp bà con trong xã vượt qua khó khăn, đói nghèo. Nhận thức và lĩnh hội được giá trị về đạo đức, phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh tôi hiểu rằng nhiệm vụ của mình là nặng nề và để giải quyết vấn đề đó thì cần có lòng tin vào nhân dân bởi dân là tất cả, nếu mất lòng tin đối với dân thì sẽ thất bại. Công tác dân vận, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm là chiếc chìa khóa dẫn đến thành công của công cuộc đổi mới. Công tác dân vận là “vận động nhân dân và các lực lượng trên địa bàn xã cùng nhau chung tay thực hiện và hoàn thành những việc nên làm, những việc mà cấp trên giao cho. Lực lượng của dân là rất lớn. Nếu dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, dân vận kém thì không thể làm được việc gì”. Cũng chính vì lí do đó mà tôi nghĩ mình cần phải lấy cái lí, cái tình của người cán bộ, cái tâm của người nông dân để tuyên truyền, vận động bà con, thế mà lại thành công.

          Nhìn thấy cái khó, cái nghèo của bà con, người cán bộ đã không ngừng cố gắng, khắc phục mọi khó khăn của bản thân, của xã để giúp bà con có cuộc sống no đủ và để “ thay da đổi thịt” cho mảnh đất Phú Lũng còn bao nhọc nhằn, vất vả. Xã Phú Lũng là một xã giáp biên giới Trung Quốc. Đời sống của nhân dân nơi đây còn nhiều cực khổ, quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn, nhân dân cả năm chỉ trông chờ vào một vụ ngô thì làm sao để phát triển kinh tế và làm giàu được.

          Những năm trước khi chưa làm đường, việc đi lại của người dân chủ yếu là đi bộ. Mỗi vụ thu ngô là bà con lại địu từng địu ngô từ nương về, có làm cả ngày cũng chỉ thu được vài địu ngô. Hết mùa ngô là bà con hết việc làm, hay chỉ quanh quẩn ở nhà với mấy con gà, vài con lợn. Vì không có ý thức bảo vệ rừng nên củi không có thì lên rừng chặt cây về đun. Cả xã dường như chỉ có vài chiếc xe máy nên hàng ngày con đường đi lại cũng yên ắng lắm. Chính vì vậy mà đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, thất nghiệp nhiều mà hộ nghèo cũng lắm.

          Vùng đất tưởng chừng như tách rời với tiếng xe cộ ồn ào và chỉ yên lặng trong sự nghèo khó ấy cũng đã có ngày được khởi sắc bởi lòng nhiệt tình, sự say mê công việc của người cán bộ xã, người cán bộ ấy đã khởi đầu công việc với trái tim yêu nước, thương dân chân thành, đó là anh giờ là chủ tịch xã, đồng chí Nguyễn Đình Dy.

          Năm 2009 anh được cử về xã giữ chức vụ Bí thư xã, sau gần mười năm đến nay anh là chủ tịch xã. Thực hiện nhiệm vụ đưa xã Phú Lũng thoát nghèo. Ban đầu những khó khăn thử thách nhiều lắm. Xác định được việc quan trọng cần làm, ngay lúc này anh củng cố lại hệ thống chính trị của xã, rồi vận động các cơ quan đơn vị trên địa bàn xã thành lập tổ, hội giúp dân thoát nghèo, giao cho mỗi nhóm phụ trách 1 đến 2 hộ nghèo để nhóm đến từng hộ gia đình tìm hiểu về điều kiện kinh tế và cách làm của từng gia đình từ đó có hướng giúp đỡ các gia đình đó cách làm kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia phát triển đàn trâu, bò, đàn gia xúc, gia cầm. Với phương án phát triển trâu, bò và lợn nái sinh sản… xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y tích cực xuống từng hộ gia đình để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc để tránh rủi ro gây thiệt hại cho người dân. Kiện toàn và thành lập được 13 tổ hợp tác, 4 nhóm sở thích ( nhóm trồng cây dược liệu thôn B3; nhóm nuôi ong thôn B3; nhóm nuôi lợn nái sinh sản thôn B2, nhóm may mặc thôn A2). Chỉ trong ba năm thực hiện với những cố gắng nỗ lực của bản thân, con người và mảnh đất Phú Lũng xưa, nay đã thay đổi nhiều rồi.

          Đường liên thôn đã được sửa chữa, nâng cấp và mở rộng từ 2,5m lên 3m như tuyến đường thôn A1 dài 500m, tuyến đường thôn Sủng Sử A dài 600m, đã vận động nhân dân đóng góp được 2.305 ngày công, ngoài ra tuyến đường liên thôn đi các thôn cũng được hoàn thành. Con đường đi vào thôn đã được bê tông hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, không còn gập ghềnh dốc đá, bà con không phải đi bộ nữa mà nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại. Rồi điện được kéo đến tất cả các thôn, nhà nào cũng có ti vi để xem đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng cao. Thế rồi bể nước, hồ treo cũng được xây để chứa nước cho bà con đến nay bà con ở các thôn như: Xà Ván, Phú Lũng, B2, B3, Páo Cù Tủng,… không còn phải lo về nước nữa. Dọc những tuyến đường liên thôn bà con thường xuyên quét dọn, làm cỏ sạch sẽ hai bên đường. Rồi nhà văn hóa thôn cũng mọc lên làm nơi hội họp cho bà con, có những thôn như thôn B3 đã mở được lớp học “ Nghệ nhân dân gian” cho bà con để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Phối hợp với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: kỹ thuật trồng nấm rơm, chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây dược liệu, phòng và điều trị bệnh cho trâu, bò,… được đông đảo bà con nhân dân tham gia. Không những chỉ phát triển về đường và điện mà anh còn nghĩ cách thâm canh chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây dược liệu ( mô hình trồng cây đương quy, cây phòng phong,…) đến nay đang trồng thí điểm ở một số hộ gia đình, cây cho năng xuất và đạt kinh tế cao, sắp tới sẽ nhân rộng đến các hộ gia đình trong các thôn cùng thực hiện chuyển từ trồng ngô sang trồng cây dược liệu và hứa hẹn một nguồn thu nhập cao trong tương lai.

          Những cách thay đổi về chăn nuôi về thâm canh đã giúp bà con phát triển kinh tế thoát nghèo. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,12%. Nhiều mô hình hay, những phương án, đề án ngành nông nghiệp thiết thực đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân và là mô hình được phát triển khá bền vững.

         Bằng sự cố gắng nỗ lực của anh và bà con nơi đây. Năm 2017 xã Phú Lũng là xã vùng biên đầu tiên của huyện Yên Minh đã được công nhận xã Đạt chuẩn nông thôn mới. Bà con ai nấy cũng phấn khởi. Nhìn vào mắt anh tôi thấy ánh lên niềm vui, niểm hạnh phúc và cả nỗi mong chờ, mong cho mảnh đất nơi đây sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

          Thành quả ngày hôm nay là cả một chặng đường gian truân, đúng là không ở đâu khó như dân mà cũng không ở đâu dễ như dân. Trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã “Đạt chuẩn nông thôn mới” thực sự là một kết quả đáng mừng. Vì bản thân anh nghĩ “ Bây giờ dân còn nhiều hộ nghèo, làm sao để giúp dân thoát nghèo, nói thế nào để cho dân tin”, vậy là anh phải đi xuống từng thôn, bản nhiều lần để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, để giúp họ hiểu được cần phải thay đổi và cũng để họ biết được quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân, từ đó họ thực hiện tốt được nghĩa vụ của mình. Anh chia sẻ  “ Nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt từ việc đóng góp vật chất, kinh phí, đến phát huy vai trò chủ thể luôn được người dân đồng tình hưởng ứng”, việc vận động dân hiến đất làm hồ treo, hay làm nhà văn hóa thôn nhiều hộ họ không nghe nhưng mình phải kiên trì và giải thích cho họ hiểu được lợi ích chung của thôn rồi cuối cùng cũng thành công. Sau buổi nói chuyện ấy đọng lại trong tôi hình ảnh một người cán bộ xã đầy nhiệt huyết, nghị lực, sự chân thành và cách sáng tạo trong công việc và tôi nghĩ sẽ để lại trong lòng mọi người sự kính trọng, biết ơn và hứa hẹn ở một xã vùng biên còn phát triển hơn thế nữa.

          Anh là một đảng viên, một chủ tịch xã, là một người cán bộ của dân, anh đã làm tốt vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta tin rằng với sự cố gắng nỗ lực của mình, anh sẽ có nhiều cách làm hay để đưa chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng gần dân hơn. Anh xứng đáng là tấm gương “ Dân vận khéo” để chúng ta cùng học hỏi.


Tin khác